Cách nấu vịt om sấu chua cực ngon, đúng vị
Cách làm vịt om sấu cực ngon, đúng vị sẽ mang đến cho bạn một món ăn lạ miệng, hấp dẫn. Vị chua thanh, đậm đà kích thích vị giác khiến ai đã một lần thưởng thức qua món ngon này cũng không thể nào quên được.
Vịt là thực phẩm được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Bài này sẽ hướng dẫn cách làm vịt om sấu ngon lạ để đổi vị cho bữa ăn của mình. Thịt vịt kết hợp với một loại quả đặc sản của người dân Hà thành – sấu, chắc chắn sẽ cho bạn một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Vịt om sấu ngon là phải xen lẫn một chút vị chua thanh, béo ngậy, thích hợp cho bạn đổi vị trong những bữa ăn hằng ngày hoặc những lúc tổ chức tiệc nhỏ tại gia.
1/ Nguyên liệu:
- 1 con vịt (khoảng 1.5kg)
- 12 quả sấu
- 500g khoai sọ
- 500g rau nhút
- 20g mùi tàu
- 40g hành lá
- 25ml nước cốt tỏi (giữ lại bã)
- 20ml nước cốt hành (giữ lại bã)
- 1 quả chanh
- 50g gừng
- 100ml rượu trắng
- Gia vị: muối hạt, bột canh, hạt nêm, mì chính, tiêu, nước mắm
2/ Hướng dẫn cách nấu Vịt om sấu chua cực ngon
a/ Sơ chế vịt
Vịt sau khi mua về, bạn cần nhổ sạch lông măng, cắt bỏ phần túi hôi ở phao câu, loại bỏ cả đầu, phổi để món ăn không lẫn mùi hôi. Sau đó, bạn dùng muối hạt, chanh chà xát lên khắp con vịt khoảng 5 phút, xả sạch lại.
Giã nát gừng, trộn đều với 100ml rượu trắng. Sau đó, dùng hỗn hợp này xoa đều lên da vịt, chà xát trong khoảng 3 phút rồi xả sạch lại, để ráo, chặt thành miếng vừa ăn.
b/ Ướp thịt vịt
Cho tất cả vịt vào âu lớn, ướp cùng 5g bột canh, 10g hạt nêm, 5g mì chính, 10g tiêu, 20ml nước mắm, 25ml nước cốt tỏi, 20ml nước cốt hành tím, trộn đều để ướp 30 phút cho thịt vịt thấm đều gia vị.
c/ Sơ chế các nguyên liệu khác
Hành lá rửa sạch, cắt khúc khoảng 2cm. Rau mùi tàu rửa sạch, cắt nhỏ, dài khoảng 1cm. Trộn đều cả 2 với nhau.
Sấu gọt vỏ bỏ.
Rau nhút nhặt lấy phần non, rửa sạch, để ráo.
Khoai sọ gọt bỏ vỏ, rửa sạch, ngâm vào nước có pha 1 ít vôi để không bị đen. Sau đó vớt ra, cắt thành miếng to vừa ăn, để ráo. Bắc chảo lên bếp, cho vào 3 muỗng canh dầu ăn. Khi dầu nóng, cho vào 1 muỗng canh bã hành tím phi thơm. Sau đó đổ khoai vào đảo đều tay, nêm vào 5g bột canh, 5g hạt nêm, đảo đều xào săn cho thấm gia vị, tắt bếp.
d/ Xào thịt vịt
Bắc chảo lên bếp, cho vào 4 muỗng canh dầu ăn. Khi dầu nóng, cho vào 1 muỗng canh bã tỏi, 1 muỗng canh bã hành tím vào, phi thơm, vàng. Sau đó đổ thịt vịt vào xào cho thật săn lại.
e/ Om vịt
Cho thịt vịt đã xào vào nồi cùng với 1.5 lít nước lọc, bắc lên bếp đun sôi, vớt bọt, váng mỡ, hạ nhỏ lửa, đun trong khoảng 45 phút cho thịt mềm.
Sau khi đã đun đủ thời gian, bạn cho sấu và khoai sọ vào đun trong khoảng 15 phút. Lúc này, bạn nêm nếm lại cho phù hợp với khẩu vị của mình.
f/ Trình bày và thưởng thức
Cuối cùng, bạn dầm sấu ra để tạo độ chua. Khi ăn, cho rau mùi tàu, hành lá, nhúng rau nhút vào. Ăn kèm bún với vịt om sấu để thêm hấp dẫn. Bạn có thể ăn vịt om sấu như 1 món lẩu. Nên thưởng thức món ăn khi còn nóng. Bạn có thể chấm vịt với nước mắm tỏi, ớt.
3/ Yêu cầu thành phẩm
Với cách làm này, bạn có món vịt om sấu được dùng ăn kèm với bún rất thích hợp.
Nước om có vị chua nhẹ, không quá mặn. Thịt vịt mềm, thơm, không lẫn mùi hôi. Rau chín tới, không bị nhũn.
4/ Một số lưu ý khi nấu món vịt om sấu
- Vịt cần phải sơ chế thật kỹ để loại bỏ mùi hôi, thành phẩm ngon và cũng đẹp mắt hơn.
- Nếu bạn không ăn được cay có thể giảm lượng tiêu trong lúc ướp vịt xuống còn 5g.
- Bạn xay nhuyễn tỏi, hành tím sau đó vắt lấy nước cốt. Phần bã tỏi, hành tím giữ lại để phi thơm xào thịt vịt.
- Khi mua khoai sọ, bạn nên chọn củ khô, không ướt hoặc dính nước. Khi gọt, phải dùng dao khô, tay thật khô cùng với củ khoai khô để không bị ngứa.
- Bạn có thể thay thế khoai sọ bằng khoai môn.
- Khoai xào trước khi cho vào nồi nấu cùng vịt để thấm gia vị, thơm hơn, chín nhanh hơn khi hầm với vịt, giữ cho nước lẩu trong và không bị sánh.
- Trong quá trình om, nếu nước cạn bớt, bạn có thể châm thêm nước.
- Tùy theo độ chua mong muốn, bạn có thể dầm sấu nhiều hay ít.
5/ Mẹo chọn vịt ngon
Bạn không nên chọn vịt quá già hoặc quá non. Vịt ngon là đủ ngày tuổi; mọc đủ lông; ức, phao câu đều tròn; da bụng, da cổ dày, cầm lên thấy nặng tay.
Vịt còn quá non sẽ có rất nhiều lông tơ, khó sơ chế kỹ, thịt cũng không ngon. Vịt quá già, đẻ nhiều lứa, thịt sẽ rất dai, kém ngon.
Mời bạn tham khảo sản phẩm chăm sóc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp: